Giáo dục trẻ về giá trị của đồng tiền

Thứ bảy - 17/09/2016 15:58
Giáo dục con cái về tiền bạc - cách quản lý, tiết kiệm và chi tiêu một cách thông minh - chính là những kỹ năng thiết thực dành cho trẻ.
day tre quan ly tien
day tre quan ly tien

Tiền là công cụ hữu ích để dạy trẻ cách đưa ra quyết định. Để giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền bạc, chúng ta đều phải đưa ra quyết định của mình. Món đồ đó có phải là đắt lắm không? Có nên tiết kiệm để mua một cái khác hay không?

Giải thích sớm cho trẻ biết khái niệm về tiền là một điều rất quan trọng. Ngay khi chúng biết đếm, hãy dạy chúng những điều cơ bản nhất. Hãy nói với con bạn về cách mà bạn chi tiền. Bạn dùng tiền để đầu tư, hay tiết kiệm, hay chỉ chi vào những thứ thật sự cần thiết? Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện và để trẻ tham gia vào quá trình đưa ra quyết định của bạn.

Nicole Weisman, sống tại Los Angeles, California, đã dạy cô con gái 4 tuổi của mình những bài học quan trọng mỗi khi hai người đi cửa hàng cùng nhau. “Tôi nói trước với con bé là hôm nay chúng tôi sẽ đi mua đồ hay chỉ đi xem thôi. Chúng tôi thường đi xem trước, rồi cùng nhau bàn về những thứ sẽ mua khi nào tiết kiệm đủ tiền. Cứ như vậy mỗi tháng một lần, chúng tôi sẽ đi mua đồ, con gái tôi mang theo tiền cô bé tự dành dụm được và mua một thứ gì đó thật đặc biệt”.

Dạy trẻ bài học tiết kiệm là một điều không phải dễ. Paul Richard, Giám đốc điều hành của Viện Giáo dục Tài chính tiêu dùng, khuyến khích các bậc cha mẹ hãy đặt ra mục tiêu cho con mình mỗi khi chúng đòi hỏi những gì chúng chưa có. Tiết kiệm vì một cái gì đó đặc biệt là động lực mạnh mẽ giúp trẻ trở nên có trách nhiệm hơn với tiền bạc.

Heidi Emberling, nhà giáo dục tại Palo Alto, California, có một phương pháp đặc biệt trong việc dạy con về giá trị của đồng tiền. “Nếu con trai tôi có thể tự làm được 4 việc trước khi đi học (cậu bé đang học nhà trẻ) như: tự đổ bô, tự mặc quần áo, tự đánh răng và tự chải tóc, thì sẽ nhận được một sticker dán vào lịch. Vào cuối tuần, cứ mỗi sticker sẽ được 1 đôla. Bé sẽ có ba chiếc lọ đặt trong phòng. Lọ thứ nhất đựng tiền tiết kiệm, lọ thứ hai đựng tiền cho đi và lọ thứ ba là tiền dùng để chi tiêu. Bé chia tiền theo ý thích của mình, nhưng mỗi lọ phải có ít nhất 1 đôla. Bé có thể xài tiền trong lọ thứ ba hoặc gộp chung lại với lọ thứ nhất để mua thứ gì đó hơi đắt. Bé biết được rằng, tiền “cho” là dùng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”. Bằng việc cho con trai mình tự quyết định cách sử dụng tiền, Emberling đã cho bé quyền tự đưa ra các quyết định tài chính.

Richard nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy trẻ cách tiết kiệm vì những mục tiêu lâu dài khi trẻ lớn hơn. Giới thiệu cho chúng về trái phiếu tiết kiệm, mở tài khoản tiết kiệm hay chỉ chúng cách theo dõi số tiền chúng có được. Dạy cho con bạn biết được sự khác nhau giữa tiền mặt, séc và thẻ tín dụng. Richard khuyên các bậc cha mẹ mỗi tháng, nên dành ra một ngày để cùng con mình xem xét lại các vấn đề tài chính. Nói về lãi suất mà chúng sẽ nhận được trong tài khoản tiết kiệm hoặc là tình hình cổ phiếu của chúng như thế nào. Nếu con bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên, bạn có thể nói về tình hình kinh tế, ảnh hưởng của nó như thế nào. Lạm phát là gì? Hay cách tiết kiệm tại nhà.

Cách quản lý tài chính khoa học của bạn chính là ví dụ điển hình nhất cho con trong việc chi tiêu. Càng để con tham gia vào các quyết định của tài chính của cha mẹ, chúng sẽ càng học được nhiều thứ hơn về tầm quan trọng của việc đánh giá đúng những vấn đề liên quan đến tiền bạc trong cuộc sống.

(Nguồn: education.com)

 Từ khóa: day tre dongtien

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây